Chuẩn Sensor Web Enablement phục vụ chia sẻ và tích hợp dữ liệu quan trắc trong ngành tài nguyên và môi trường đáp ứng thời gian thực

Với mục tiêu hiện đại hóa công nghệ quan trắc phục vụ giám sát và quản lý tài nguyên và môi trường, các cơ quan trực thuộc Bộ TN&MT và các tỉnh thành đã và đang triển khai các hệ thống quan trắc trong mọi lĩnh vực như: quan trắc chất lượng nước, quan trắc thủy văn, quan trắc tài nguyên nước, quan trắc chất lượng không khí,…các hệ thống của địa phương và các đơn vị đã phục vụ tốt từng mục tiêu quan trắc của hệ thống. Tuy nhiên, hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập, lưu trữ, quản lý và khai thác dữ liệu quan trắc cũng đã cho chúng ta thấy một số vấn đề như sau:
– Các hệ thống quan trắc tự động được trang bị bởi các nhà cung cấp khác nhau và các thông tin, dữ liệu được quản lý bởi các hệ thống thông tin khác nhau về phần cứng, phần mềm quản trị CSDL, phần mềm hệ thống,…
– Mô hình dữ liệu quản lý dữ liệu quan trắc cũng khác nhau do mục tiêu thiết kế và cài đặt được phục vụ cho những yêu cầu cụ thể và ở góc nhìn có tính chuyên ngành sâu và có tính “độc lập” trong các mô hình quản lý dữ liệu của các đơn vị khác nhau.
– Nếu một thiết bị của một hãng đã được chọn thì các đầu cảm biến cũng phải mua của hãng đó cho dù có thể với tiêu chí quan trắc nào đó được đo bằng đầu cảm biến của các hãng khác tốt hơn. Như vậy chúng ta thấy được sự lệ thuộc vào công nghệ của các hãng cung cấp giải pháp rất nhiều và khó tách ra được. Điều này dễ sinh ra độc quyền, có khả năng gây ra tốn kém kinh phí đầu tư và không tận dụng được hết sức mạnh công nghệ của các nhà cung cấp khác nhau.
Trong khi đó yêu cầu về chia sẻ, tích hợp dữ liệu quan trắc từ các hệ thống khác nhau là rất cần thiết để phục vụ hiệu quả và tiết kiệm kinh phí đầu tư trong giám sát tài nguyên và môi trường trên địa bàn cả nước. Thực tế rất cần có một giải pháp tích hợp. chia sẻ dữ liệu từ các hệ thống địa phương với các hệ thống trung ương, từ các hệ thống quan trắc môi trường với hệ thống quan trắc thủy văn, giữa hệ thống quan trắc tài nguyên nước với hệ thống quan trắc thủy văn, khí tượng,…. Trong bối cảnh đa dạng về công nghệ.
Từ hiện trạng và yêu cầu chia sẻ tích hợp nói trên, những khó khăn chúng ta gặp phải như sau:
– Không thể tích hợp một cách nhanh tróng và đáp ứng thời gian thực do đa dạng về công nghệ và mô hình dữ liệu.
– Các ứng dụng khai thác sẽ rất khó phát triển vì thiếu chuẩn mực về mô hình dữ liệu chung và mô hình giao tiếp giữa các hệ thống.
– Tích hợp với các dữ liệu không gian (GIS, geospatial data) từ các hệ thống khác sẽ khó khăn vì không có chuẩn trao đổi dữ liệu và chuẩn giao tiếp.
Các công nghệ truyền thống thường chỉ tập trung vào việc xử lý ảnh, dịch vụ vị trí, xử lý dữ liệu không gian, định tuyến, quản lý hạ tầng, cơ sở dữ liệu không gian và các WebGIS. Ngày nay, khả năng giao tiếp với thông tin vị trí, dữ liệu đo đạc và các thông số khác của sensor giữa các hệ thống quản lý giám sát môi trường, tài nguyên với nhau là vấn đề bức xúc trong việc hòa nhập thông tin trong các mạng lớn như Internet, mạng xã hội , thiết bị di động. Một lãnh thổ (một tỉnh, một vùng, một quốc gia) có thể chỉ sử dụng một công nghệ giám sát môi trường nhưng vấn đề quản lý, giám sát tài nguyên rõ ràng là vấn đề liên vùng lãnh thổ và không thể có một vùng lãnh thổ nào có thể tự xử lý tốt, tận gốc các vấn đề ô nhiễm môi trường, thảm họa thiên tai của riêng mình. Chính vì thế, việc mong muốn một hệ thống thống nhất về công nghệ chắc chắn khó thực hiện được và sự đa dạng công nghệ trong thế giới hiện nay là một yếu tố khách quan không thể không đối mặt.
Để giải quyết các vấn đề nêu trên, OGC đã đề xuất mô hình chuẩn SWE nhằm đảm bảo các hệ thống quan trắc có thể nói chuyện với nhau thông qua các giao tiếp chuẩn. Cũng giống như chuẩn giao thức HTTP, HTML có khả năng trao đổi nhiều loại thông tin trên Internet, SWE hướng đến việc tạo ra các chuẩn nhằm đảm bảo khả năng các sensor và hệ thống quan trắc có thể tìm kiếm, khám phá tìm hiểu, trao đổi và xử lý, sử dụng các dữ liệu, thông tin về quan trắc phục vụ các nhu cầu quản lý và cuộc sống hàng ngày. Các chức năng chính mà OGC đưa ra cho bộ chuẩn SWE cần thực hiện là:
– Đảm bảo khả năng tìm kiếm, khám phá các hệ thống sensor, các trạm quan trắc và các tiến trình xử lý quan trắc một cách nhanh tróng và phù hợp với nhu cầu của chúng ta.
– Xác định được khả năng đáp ứng của sensor và chất lượng đo lường của sensor đó.
– Có khả năng truy cập và khai thác được các thông số của sensor và từ đó có thể xử lý, xác định được vị trí không gian của nó.
– Có khả năng lấy được các dữ liệu quan trắc theo thời gian thực hoặc theo một chuỗi thời gian và dữ liệu được trình bày theo một dạng mã hóa chuẩn.
– Giao nhiệm vụ cho sensor thực hiện quan trắc theo ý muốn.
– Đăng ký và công bố những cảnh báo về sensor hoặc các dịch vụ của sensor dựa trên các tiêu chí cụ thể nào đó.
Mô hình khái niệm của OGC Sensor Web Enablement thể hiện rõ tầm nhìn và mong muốn mà tổ chức này đề xuất, đó là:
– Tất cả các sensors đều có khả năng báo cáo về vị trí địa lý mà nó đang được vận hành.
– Tất cả sensors đều được kết nối qua môi trường Web.
– Tất cả các sensors phải được mô tả dưới dạng siêu dữ liệu.
– Tất cả các sensors đều có thể đọc được dữ liệu từ xa.
– Tất cả các sensor đều có khả năng điều khiển từ xa.
Hiện thực hóa các mong muốn nêu trên có nhiều mức độ ứng dụng trong thực tế rất khác nhau. Người ta có thể chuẩn hóa từ thiết bị sensor theo quy định của OGC SWE nhưng cũng có thể giữa hệ thống với hệ thống…Nhìn nhận tầm nhìn của OGC SWE nêu trên cần trên quan điểm rất nhiều công nghệ khác biệt liên quan nằm giữa người sử dụng (các chuyên gia kỹ thuật) với các sensors. Dưới con mắt của các chuyên gia thì các công nghệ trung gian đó đã được “ảo hóa”, “trong suốt” để đạt các yêu cầu mà mô hình đề ra.
Mô hình thử nghiệm tích hợp quan trắc đại đương của Mỹ (an Integrated Ocean Observation System Testbed, xem thêm tại http://www.ogcnetwork.net/node/346 ) với sự tham gia của hơn mười tổ chức nghiên cứu, các trung tâm, các trường đại học và các cơ quan của chính phủ nhằm tích hợp, đồng vận hành các hệ thống quan trắc đại dương của các tổ chức nói trên thành một hệ thống tích hợp duy nhất về mặt logic. Từ đó, các nhà hoạch định chính sách có thể tập hợp đầy đủ nhất các dữ liệu liên quan (như nhiệt độ nước biển, sóng, oxy hòa tan,…) của vùng cần quan tâm. Các tổ chức nói trên có những thiết bị, hệ thống thu thập và phương pháp đo lường khác nhau. Chính vì thế để có thể đạt được mục tiêu họ đã sử dụng chung bộ chuẩn về tương hợp hệ thống, trong đó có bộ chuẩn OGC SWE làm nòng cốt, bao gồm các chuẩn chinh như sau:
– Sensor Observation Service (SOS)
– SensorML
– Observation và Measurement (O&M)
– SOS Registry.
Với việc sử dụng các chuẩn OGC về hệ thống thông tin địa lý và các chuẩn SWE nêu trên, hàng ngàn sensors của các tổ chức khác nhau được thể hiện trên bản đồ duy nhất và có thể truy cập để khai thác, đánh giá các dữ liệu đó phục vụ cho các nghiên cứu chuyên biệt.
Nhờ có sự tích hợp các số liệu từ nhiều tổ chức khác nhau nên các hệ thống có thể dự báo được độ chính xác của sóng biển, độ cao mực nước,…và mô hình hóa các bài toán thủy lực trong tương lai. Chương trình thử nghiệm mô hình tích hợp quan trắc đại dương được thực hiện dưới sự tư vấn của tổ chức OOSTethys (http://www.ogcnetwork.net/node/344) , nơi quy tụ các nhà phát triển phần mềm và các nhà khoa học nghiên cứu đại dương, nghiên cứu và phát triển các công cụ tài nguyên mã mở phục vụ cho việc tích hợp các hệ thống quan trắc tài nguyên. OOSTethys cung cấp cho chương trình thử nghiệm mô hình tích hợp quan trắc đại dương một khung kiến trúc chung, các chuẩn áp dụng và các công cụ để vận hành kiến trúc đó đi vào thực tế.
Cơ quan quản trị khí quyển và đại dương của Chính phủ Mỹ là một trong những tổ chức đi đầu trong việc áp dụng các chuẩn mở quốc tế để cung cấp dữ liệu quan các dịch vụ Web cho các nhà nghiên cứu và các tổ chức khắp nơi trên thế giới. NOAA (National Oceanic and Atmospheric Administration) có nhiệm vụ quan trắc khí quyển và đại dương nên các số liệu quan trắc tự động đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của tổ chức. Trung tâm cung cấp dịch vụ và sản phẩm quan trắc đại dương của NOAA (Center for Operational Oceanographic Products and Services) đã cung cấp một cổng thông tin để cung cấp các số liệu quan trắc theo chuẩn OGC SWE như SensorML, Sensor Observation Service và các chuẩn khác như W3C WSDL (xem tại http://opendap.co-ops.nos.noaa.gov ). Nhờ nó mà các ứng dụng hoặc người sử dụng (các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng truy cập và tiếp cận dữ liệu.
Từ việc cung cấp các dịch vụ dữ liệu theo chuẩn SWE rất nhiều ứng dụng có thể khai thác và sử dụng một cách linh hoạt. Một trong những ứng dụng đó là tích hợp các nguồn dữ liệu khác nhau để phục vụ cho hệ thống cảnh báo sóng thần cho các vùng biển, đới bờ của nước Mỹ.
Nguyên tắc của việc cảnh báo sóng thần dựa trên việc đo liên tục mực nước biển dâng qua nhiều thời kỳ và hiện nay, khả năng đo đã có thể đo trong vòng 1 phút cho đến 6 phút. Các số liệu qua nhiều thời kỳ sẽ được mô hình hóa phục vụ dự báo trong tương tai nhằm phát hiện các đột biến về vật lý trong môi trường biển, từ đó có thể cảnh báo được sóng thần hoặc giải đáp các hiện tượng thiên nhiên như biến đổi khí hậu, trái đất nóng lên, băng tan,…

FIMO tuyển dụng chuyên viên văn phòng

  1. Trung tâm FIMO, Trường ĐHCN, ĐHQGHN tuyển dụng hợp đồng lao động vị trí: Chuyên viên Phụ trách Văn phòng (số lượng 01 người)
  2. Điều kiện chung:

1.1. Người có đủ các điều kiện sau đây không phân biệt dân tộc, nam, nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo được đăng ký thi tuyển:

a) Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam;

b) Đủ 18 tuổi trở lên;

c) Có đơn dự tuyển; có lý lịch rõ ràng;

d) Có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với yêu cầu của vị trí dự tuyển;

đ) Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt;

e) Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ;

1.2. Đối tượng không đủ điều kiện tham gia dự tuyển:

a) Không cư trú tại Việt Nam;

b) Mất hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

c) Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang chấp hành hoặc đã chấp hành xong bản án, quyết định về hình sự của Tòa án mà chưa được xóa án tích; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

2. Điều kiện, tiêu chuẩn cụ thể về văn bằng, chứng chỉ

– Tốt nghiệp đại học (hệ chính quy) loại khá trở lên có chuyên ngành về lưu trữ, kế toán tổng hợp phù hợp với vị trí cần tuyển dụng; có kinh nghiệm làm việc từ đủ 36 tháng trở lên và đang thực hiện công việc phù hợp với vị trí cần tuyển dụng.

Ngoại ngữ, tin học và kỹ năng khác:

– Có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B1 khung tham chiếu Châu Âu được cấp bởi các cơ sở giáo dục đào tạo được Bộ Giáo dục & Đào tạo và ĐHQGHN công nhận còn giá trị sử dụng hoặc tương đương trở lên.

– Tin học: Có chứng chỉ tin học trình độ B trở lên hoặc có chứng chỉ tin học với trình độ đạt chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản theo quy định tại Thông tư số 03/2014/TT-BTTTT ngày 11/3/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định Chuẩn kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin.

– Kỹ năng khác: kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, …

– Đối tượng ưu tiên: Ưu tiên đối tượng đang làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với vị trí tuyển dụng;

3. Thời gian và hình thức dự tuyển

3.1. Thời gian tuyển dụng: 03/05/2017

3.2. Hình thức dự tuyển: Thi vấn đáp

3.3. Hồ sơ dự tuyển bao gồm:

  • Đơn đăng ký dự tuyển viên chức (theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư số 15/2012/TT-BNV của Bộ Nội vụ  ngày 25/12/2012 hướng dẫn về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức).
  • Bản sơ yếu ký lịch tự thuật có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền trong thời hạn 06 tháng (tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển).
  • Bản sao các văn bằng, chứng chỉ và kết quả học tập  theo yêu cầu của vị trí dự tuyển, được cơ quan có thẩm quyền chứng thực. Trường hợp có văn bằng do cơ sở đào tạo nước ngoài cấp phải được công chứng dịch thuật sang tiếng Việt.
  • Giấy chứng nhận sức khoẻ còn giá trị trong sử dụng (trong 12 tháng) do cơ quan y tế đủ điều kiện được khám sức khỏe chứng nhận (theo quy định tại Thông tư số 14/2013/TT-BYT ngày 06/05/2013 của Bộ Y tế về việc hướng dẫn khám sức khoẻ).
  • Bản sao giấy khai sinh và chứng minh thư nhân dân hoặc thẻ căn cước.
  • 02 ảnh cỡ 4 x 6 cm (ảnh được chụp trong thời gian 06 tháng tính đến ngày nộp hồ sơ dự tuyển) và 02 phong bì (ghi rõ địa chỉ liên lạc).

Thời hạn tiếp nhận hồ sơ dự tuyển: Hồ sơ bản mềm được gửi tới tới email [email protected] trước ngày 30/04/2017. Khi nhận được thông báo phỏng vấn, ứng viên đến và mang kèm theo Hồ sơ bản cứng.

Trân trọng thông báo./.

Hà Nội: Phấn đấu đến hết năm 2020 có 359 điểm quan trắc không khí

Cùng với phát triển kinh tế, xã hội, vấn đề ô nhiễm không khí ngày càng trở nên trầm trọng đặc biệt ở các thành phố lớn. Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe con người, TP Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động từ đó có hướng xử lý đúng.

 

Theo đó, UBND thành phố đã yêu cầu các dự án đầu tư mới phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải, khí thải đồng bộ với đầu tư công nghệ sản xuất ngay từ khâu lập dự án, phê duyệt dự án; thực hiện các thủ tục xác nhận công trình xử lý môi trường đạt tiêu chuẩn môi trường trước khi đi vào hoạt động chính thức nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm trong sản xuất công nghiệp. Cùng với đó, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các cơ sở áp dụng sản xuất sạch hơn, các công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện với môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, góp phần tích cực trong giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, các hoạt động quan trắc môi trường nói chung, quan trắc môi trường không khí nói riêng được thành phố quan tâm và đảm bảo đủ kinh phí hoàn thiện hệ thống mạng lưới quan trắc không khí trên địa bàn. Để tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, thành phố đã phê duyệt quy hoach mạng lưới quan trắc không khí cố định đến năm 2020. Theo đó, đến hết năm 2020, mạng lưới quan trắc không khí sẽ đạt 359 điểm quan trắc, gồm 7 trạm quan trắc tự động liên tục và 176 điểm quan trắc định kỳ chủ động và 176 điểm quan trắc thụ động, đảm bảo thu thập và cung cấp thông tin, số liệu điều tra cơ bản phục vụ bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế; thiết lập hệ thống quan trắc môi trường không khí đồng bộ nhằm tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí trên địa bàn Thủ đô, đưa ra các giải pháp kịp thời để giảm thiểu ô nhiễm không khí…

Để tiếp tục tăng cường giám sát, cảnh báo và đưa ra giải pháp cải thiện chất lượng môi trường không khí, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố. Thông qua đề án nhằm rà soát, đánh giá hệ thống quan, trắc môi trường không khí, tiến tới hoàn thiện hệ thống quan trắc môi trường không khí trên địa bàn thành phố; xác định 20 vị trí lắp đặt trạm quan trắc không khí cố định. Đề án do Chính phủ Pháp tài trợ, UBND thành phố đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với đơn vị tư vấn (Tổ chức AirParif- Pháp) triển khai thực hiện.

(Nguồn: cem.gov.vn)

Hôi thảo Research School 2017 với chủ đề:”Công nghệ tiên tiến cho các ứng dụng IoT”

Sáng 15/3/2017, Trường ĐH Công nghệ – ĐHQGHN (VNU – UET) và Trường ĐH Công nghệ Sydney, Úc (UTS) đã phối hợp tổ chức lễ khai mạc Trường nghiên cứu với chủ đề “Công nghệ tiên tiến cho các ứng dụng IoT” (RS2017). Chương trình diễn ra trong 3 ngày từ 15 đến 17/3/ 2017 tại VNU – UET.

Hình ảnh trong buổi hội thảo

Tham dự hội thảo này, nhóm nghiên cứu IoT đã  được nghe các bài giảng về IoT, thông tin thế hệ 5G, trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu và các công nghệ bán dẫn cho thiết bị IoT bởi các giáo sư hàng đầu từ UTS và VNU-UET; từ đó có cái nhìn khách quan về xu hướng công nghệ IoT trong thời gian sắp tới.

RS2017 là dịp để những học viên xuất sắc nhất có cơ hội nhận học bổng nghiên cứu tiến sĩ (ước tính tới 35.000 đô la Úc học phí hàng năm, 26.300 đô la Úc cho chi phí ăn ở, bảo hiểm y tế, vé máy bay khứ hồi, phụ cấp lưu trú và kinh phí chi trả từ dự án) tại UTS hoặc tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu JRC.

 

Nguồn: Lê Xuân Cần

Công nghệ 5G-chìa khóa mở đường cho IoT

Mạng di động 5G ra đời không chỉ giúp người dùng có thể tải dữ liệu nhanh hơn, xem phim 4K online thoải mái,… mà nó còn mang trong mình nhiều sứ mệnh khác. Chẳng hạn như bắt tay với mạng lưới Internet of Things (IoT), để mang đến cuộc sống hiện đại và hiệu quả hơn cho mọi người.

Người dùng ngày càng sử dụng nhiều dữ liệu hơn, bao gồm: Điện thoại thông minh, TV thông minh, đồng hồ thông minh, thiết bị thực tế ảo, máy bay Drone, xe tự hành, máy giặt, tủ lạnh, trợ lý ảo và cuối cùng, cái gọi là Internet of Things (IoT) đang ở giữa chúng ta.

Tất cả những công nghệ trên luôn ‘ ngốn ‘ một lượng lớn dữ liệu và hơn hết chúng cần có tốc độ kết nối nhanh, hiệu quả hơn cũng như tiêu thụ điện năng ít hơn, để duy trì được kết nối internet ở trạng thái ổn định nhất.

Và 5G chính là bước đệm cho sự phát triển lớn mạnh của IoT cũng như các thiết bị được tích hợp khả năng kết nối internet, bởi mạng di động thế hệ 5 này dự kiến cho tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh hơn khoảng 100 lần so với chuẩn 4G phổ biến hiện nay.

Như theo ước tính ở bài viết trước (https://fimo.edu.vn/science-technology/intel-nen-tang-moi-cho-internet-things/), năm 2017 ước tính có 8,4 tỷ thiết bị kết nối như vậy  trong năm 2020 ướ tính sẽ có khoảng 20,4 tỷ thiết bị kết nối  (theo hãng nghiên cứu Gartner). Vì vậy, không cường điệu khi nói , cho tới năm 2020 IoT sẽ không tồn tại nếu không có 5G. Cho nên 5G bắt buộc phải xuất hiện để mở đường cho IoT, chứ không chẳng làm ăn được gì với chuẩn 4G hiện nay – tuy có nhanh hơn 3G rất nhiều, nhưng nhìn chung vẫn có độ trễ nhất định.

Nguồn: trangcongnghe.com

 

Lần đầu tiên drones được sử dụng cho việc giám sát tàu thuyền

Công ty công nghệ hàng hải Martek Marine cùng với Cơ quan an toàn hàng hải châu Âu (European Maritime Safety Agency – EMSA) đã đi đến một thỏa thuận phát triển Hệ thống Máy bay Điều khiển từ xa (RPAS) cho việc giám sát hàng hải.

Các giới hạn mới về hàm lượng lưu huỳnh của nhiên liệu hàng hải đã được đưa ra từ năm 2015, cùng với các quy tắc liên quan đến việc lấy mẫu và báo cáo hàm lượng lưu huỳnh và tất cả lượng phát thải SOx từ các tàu. EU yêu cầu giám sát phát thải và trao đổi thông tin giữa các cơ quan có trách nhiệm.

Trong bối cảnh đó, Hệ thống Máy bay Điều khiển từ xa (RPAS) sẽ được sử dụng để thu thập dữ liệu về phát thải, kết hợp với các nguồn dữ liệu khác để cung cấp thông tin về lượng khí thải cho các Quốc gia thành viên. EMSA sẽ tổ chức và cung cấp các hoạt động dịch vụ RPAS thí điểm để hỗ trợ các nước thành viên tập trung vào phát hiện và giám sát ô nhiễm biển và theo dõi lượng khí thải.

Công ty Martek Marine đã được trao một trong một số hợp đồng khung do EMSA đưa ra trong lĩnh vực này.  Hợp đồng đã giành được bởi Martek đặc biệt chú trọng giám sát phát thải động cơ tàu của RPAS. Yêu cầu mới này đòi hỏi một hệ thống máy bay không người lái để lấy mẫu khí ga từ phát thải của tàu bằng cách sử dụng ảnh quang học, hồng ngoại, và các cảm biển phát xạ khí  thải và cũng như thu nhận dữ liệu AIS.

Hệ thống RPAS có tầm hoạt động 50 km từ trạm mặt đất, với  khả năng truyền tải video liên tục. Một thiết bị phân tích khí tích hợp sẽ lấy mẫu không khí và theo dõi lượng SOx, NOx và CO2 để xác định các vi phạm có thể xảy ra trong luật của EU về hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu của một chiếc tàu.

Một nghiên cứu cũng đang được tiến hành để kết hợp điều khiển và kiểm soát hệ thống RPAS từ vệ tinh, từ đó, RPAS có thể hoạt động trong phạm vi xa hơn trên 100 km.

(Nguồn thedigitalship.com)

Chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ

Ngày 08/03/2017, FIMO tổ chức liên hoan chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ. Đây là hoạt động thường niên, thiết thực và ý nghĩa của Công đoàn FIMO. Tham dự buổi liên hoan có mặt đầy đủ cán bộ FIMO, học viên cao học, nghiên cứu sinh đang theo học tại FIMO.

Hình ảnh trong buổi liên hoan:

Thành viên FIMO tặng quà phái đẹp nhân ngày 08/03

Thành viên FIMO tặng quà phái đẹp nhân ngày 08/03

Quách Mạnh Đạt

Hà Nội cung cấp trực tuyến thông tin quan trắc môi trường

ANTD.VN – Từ 9-1-2017, Hà Nội cung cấp trực tuyến thông tin về chỉ số quan trắc môi trường tự động trên Cổng Giao tiếp điện tử của Thành phố.

Các thông tin quan trắc môi trường tự động sẽ được cung cấp trực tuyến tại địa chỉ https://hanoi.gov.vn/quantracmoitruong.

Hiện Hà Nội đã đầu tư hệ thống quan trắc môi trường tự động tại nhiều địa điểm. Trong đó, về hệ thống quan trắc chất lượng không khí, hiện Thành phố đã có 10 trạm quan trắc, bao gồm 2 trạm cố định quan trắc tự động liên tục (phục vụ việc cung cấp thông tin cho người dân về chất lượng không khí xung quanh) và 8 trạm cảm biến đo một số chỉ tiêu chất lượng không khí tại các điểm trên địa bàn Thành phố (phục vụ công tác theo dõi, quản lý và mô hình hóa chất lượng không khí xung quanh.

Các số liệu quan trắc môi trường tự động sẽ được cập nhật trực tuyến trên Cổng Giao tiếp điện tử của Thành phố

Số liệu được hiển thị trực quan trên bản đồ giúp người dân dễ dàng theo dõi và so sánh chỉ số giữa các vị trí. Ngoài ra, hệ thống còn cung cấp lịch sử đo chỉ số tại thời điểm gần nhất và đánh giá chất lượng không khí, đưa ra các khuyến cáo đối với người dân khi chất lượng không khí thay đổi.

Về hệ thống thống đo mưa, hệ thống hoạt động bằng sensor đo mưa và bộ ghi truyền số liệu được lắp đặt tại 22 vị trí trên địa bàn Thành phố. Nội dung được hiển thị trực quan trên nền bản đồ số và dữ liệu được cập nhật hoàn toàn tự động theo thời gian thực. Ngoài ra, hệ thống còn cho người sử dụng biết được lượng mưa của trận mưa ngay tại thời điểm hiện tại, thời gian bắt đầu mưa và tổng lượng mưa trong 24h.

Đối với hệ thống giám sát điểm úng ngập sẽ hiển thị tình trạng tại 16 điểm thường xuyên xảy ra úng ngập trên địa bàn Thành phố, tần suất cập nhật thông tin của điểm úng ngập là 30 phút/lần.

Các chỉ số nêu trên sẽ do Sở Tài nguyên và Môi trường, Công ty TNHH Một thành viên Thoát nước cùng một số đơn vị tư vấn xây dựng phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp thông tin. Trong thời gian tới, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục cung cấp các chỉ số quan trắc về chất lượng nước (bao gồm nước mặt, nước xả thải và nước ngầm) tới các tổ chức và người dân trên địa bàn.

(Nguồn: An ninh Thủ đô)

FIMOSOPHY Vol. 04 No. 02, 2017

Các sự kiện diễn ra trong tháng 02/2017 của FIMO

Hoạt động của FIMO

01. FIMO gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu 2017;

02. FIMO du xuân đầu năm Đinh Dậu 2017;

03. Thực địa nghiên cứu của nhóm 4D GIS;

04. Sinh nhật Hà Đức Văn;

05. Chủ trì tổ chức Hội thảo OGC Việt Nam 2017.

Tin tức khoa học và công nghệ

06. Lần đầu tiên trong năm 2017, thiết bị IoT sẽ nhiều hơn cả tổng dân số thế giới.

Click to view FIMOSOPHY Vol. 04 No. 02. 2017

Một vài hình ảnh trong các sự kiện của FIMO

 

FIMO gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu 2017;

FIMO gặp mặt đầu xuân Đinh Dậu 2017

FIMO du xuân đầu năm Đinh Dậu 2017

FIMO du xuân đầu năm Đinh Dậu 2017

Thực địa nghiên cứu của nhóm 4D GIS

Thực địa nghiên cứu của nhóm 4D GIS

Sinh nhật Hà Đức Văn

Sinh nhật Hà Đức Văn

Chủ trì tổ chức Hội thảo OGC Việt Nam 2017

Chủ trì tổ chức Hội thảo OGC Việt Nam 2017

Quách Mạnh Đạt