Khai mạc Hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng”

Sáng 22/05, Trường Đại học Công nghệ (ĐHCN), Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức phiên khai mạc của Hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng” tại nhà G3 với sự tham gia của các diễn giả trong nước và quốc tế.

Khai mạc của Hội thảo “Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa tai biến trên lưu vực sông Hồng”

     Tham gia phiên khai mạc hội thảo có ông Vũ Xuân Thành – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Vụ trưởng Vụ Nguồn nước và Nước sạch nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; TS. Micheal Ellis  – Cục Khảo sát địa chất Vương quốc Anh, bà Hoàng Vân Anh – Phó Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam; GS. TS Mai Trọng Nhuận – Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu; Ông Nguyễn Huy Dũng – Chuyên gia cao cấp về Quản lý rủi ro thiên tai của Ngân hàng Thế giới. Về phía Trường ĐHCN có PGS.TS. Phạm Bảo Sơn – Phó Hiệu trưởng; PGS.TS. Trần Xuân Tú – Trưởng phòng KHCN&HTPT.

Phó Hiệu trưởng Phạm Bảo Sơn phát biểu khai mạc

      Phát biểu khai mạc, PGS. TS. Phạm Bảo Sơn chia sẻ trong những năm gần đây, Trường ĐHCN đang trên lộ trình đưa công nghệ ứng dụng vào nhiều lĩnh vực trong cuộc sống bằng cách mở thêm các khoa, Viện, bộ môn , chương trình mang tính liên ngành như Viện Công nghệ Hàng không vụ trụ,Khoa Nông nghiệp Công nghệ cao, Bộ môn Công nghệ Xây dựng – Giao thông, Chương trình Thạc sĩ Chuyển hóa Năng lượng, Viện Tiên tiến về kỹ thuật và công nghệ…Trong bối cảnh xã hội hiện đại, việc giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội cần phải có tư duy và cách giải quyết vấn đề một cách đa ngành, liên ngành. Chính vì lý do đó mà hội thảo có sự góp mặt của nhiều nhà khoa học đền từ nhiều lĩnh vực khác nhau như địa chất, môi trường, khí tượng thủy văn, biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, xã hội học, kinh tế học, công nghệ thông tin truyền thông, để cùng thảo luận và xây dựng kế hoạch Xây dựng hệ thống quan trắc để ứng phó với đa thiên tai – nhân tai trên lưu vực sông Hồng. Hơn nữa hội thảo cũng nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các cơ quan quản lý nhà nước như Tổng cục Phòng chống thiên tai, Tổng cục Thủy lợi, Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu, Đại sự quán Anh tại Việt Nam; nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ như Ngân hàng Thế giới, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Quỹ Newton.

Ông Vũ Xuân Thành chia sẻ về tình hình phòng chống thiên tai tại Việt Nam

     Trong bài phát biểu với tư cách là nhà đồng tổ chức hội thảo, ông Vũ Xuân Thành cho biết, Việt Nam là một trong 5 đất nước được các nhà nghiên cứu đánh giá tiêu cực về biến đổi khí hậu. Hiện nay, Việt Nam đang chịu tác động của 21 các loại thiên tai do biến đổi khí hậu tạo ra. Do vậy, công cuộc phòng chống và khắc phục hâu quả thiên tai của người dân nói riêng và nhà nước nói chung được đẩy mạnh. Một trong những nội dung được Đảng và Chính phủ quan tâm là công tác đánh giá, nhận biết thiên tai để có cảnh báo sớm trước thiên tai và có công tác khắc phục, phòng chống, giảm thiểu thiệt hai của thiên tai. Ông Vũ Xuân Thành bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo này các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế sẽ chia sẻ kinh nghiệm để Việt Nam tiếp thu được những kỹ thuật tiên tiến hiện đại trong công tác cảnh báo, phòng chống thiên tai. Ông Thành cũng chia sẻ “Hội thảo khai mạc ngày 22/5 cũng đúng là ngày kỷ niệm 72 năm ngày truyền thống phòng chống thiên tai của Việt Nam nên có ý nghĩa quan trọng góp phần cùng UBND các cấp, các ngành có liên quan cổ vũ nhân dân, các cấp và các ngành có liên quan chuẩn bị mọi mặt công tác với quyết tâm cao bảo vệ tốt tính mạng và tài sản của nhân dân Việt Nam. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng với tầm nhìn và quyết tâm cao của tất cả chúng ta, kết quả của dự án trong tương lai sẽ rất hữu ích góp phần vào sự nghiệp giảm thiểu rủi ro thiên tai tại Việt Nam, đặc biệt tạo các cơ hội mới cho các đơn vị nghiên cứu thuộc trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội và Tổng cục Phòng chống thiên tai trong việc đề xuất dự án xin nguồn hỗ trợ của Quỹ Thách thức quốc tế”.

Lưu vực sông Hồng cung cấp nguồn cung cấp lương thực, năng lượng, nước và các nguồn lực kinh tế – xã hội quan trọng cho khoảng 30 triệu người dân tại khu vực phía Bắc. Do đó, các nguy cơ tiềm ẩn về dân số cũng như sinh kế trong lưu vực là một vấn đề cần được quan tâm trong bối cảnh biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao cũng như các thay đổi về quản lý và quy hoạch đất đai. Các mối liên hệ giữa các thảm họa thiên nhiên cũng như tác động của chúng đến người dân cho thấy khả năng xảy ra các đa tai biến trên lưu vực. Bằng việc phát triển sự hiểu biết toàn diện, liên ngành về lưu vực, mục tiêu của hội thảo là tăng trưởng kinh tế bền vững trên khu vực RRHD thông qua việc cung cấp các giải pháp chống chịu và phục hồi sau các thảm họa thiên nhiên. Để làm được điều đó, cần thiết phải có một sự phối hợp liên ngành giữa các nhà khoa học tự nhiên và xã hội và các cơ quan chức năng cũng như người dân trong lưu vực. Hệ thống giám sát môi trường mới là sự kết hợp của cơ sở hạ tầng cứng (khả năng thu thập dữ liệu và giám sát thông qua cảm biến phân tán và độc lập) và cơ sở hạ tầng mềm (khoa học công dân, các mô hình tiên đoán, việc phân tích hành vi của con người).

Toàn thể đại biểu chụp ảnh lưu niệm

      Hội thảo được tài trợ bởi chương trình Researcher Links, Quỹ Newton Fund, Hội đồng Anh với sự tham gia của 20 nhà khoa học Vương Quốc Anh đến từ Cục khảo sát địa chất Hoàng gia Anh, Đại học London, ĐH Liverpool, ĐH Hull, ĐH Dundee, ĐH Loughborough, ĐH Birmingham, ĐH Bournemouth, ĐH Southampton) và 20 nhà khoa học Việt Nam đến từ Trường Đại học Công nghệ ĐHQGHN, Trường Đại học Kinh tế ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQGHN, Trường Đại học Khoa học Xã hội Nhân văn ĐHQGHN, Tổng cục PCTT – Bộ TNMT, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên ĐHQGHCM, Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam, Viện Địa chất khoáng sản Việt Nam, Trường ĐH Mỏ Địa chất Hà Nội, Trường Đại học Tài nguyên Môi trường Hà Nội, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu, Trường ĐH Y tế Công cộng, Trung tâm dự báo khí tượng văn Trung ương.

Các chủ đề thảo luận của hội thảo về các mối liên hệ giữa các thảm họa thiên nhiên và khả năng xảy ra các đa tai biến trong khu vực; sự cần thiết của các hệ thống phản ứng linh động với sự tham gia của nhiều nhóm ngành nhằm đối phó với các thảm họa thiên nhiên; các hoạt động cũng như mô hình kinh tế – xã hội của người dân trong bối cảnh các mối nguy hiểm có thể xảy ra; nhu cầu dữ liệu: địa không gian, kinh tế xã hội cũng như tập quán.Kết thúc hội thảo sẽ đưa ra chiến lược và lộ trình cho việc phát triển các kỹ năng nghiên cứu cũng như xây dựng cộng đồng nghiên cứu ở cả hai quốc gia cho việc giám sát lưu vực sông Hồng.Hội thảo sẽ kết thúc vào ngày 25/05/2018.

Tuyết Nga (UET-News)

NOAA phát hiện ra sự gia tăng phát thải của hóa chất phá hủy tầng ôzôn đã bị cấm trong hiệp định Montreal Protocol

Một nghiên cứu mới của NOAA cho thấy: sự phát thải của hóa chất gây ra các lỗ thủng tầng ôzôn ở Nam Cực đang gia tăng, mặc dù một hiệp ước quốc tế đã yêu cầu chấm dứt sản xuất trong năm 2010.

Trichlorofluoromethane, hoặc CFC-11, là loại khí gây suy thoái ôzôn đứng thứ hai trong bầu khí quyển , góp phần gây ra lỗ hổng khổng lồ trong tầng ôzôn Nam Cực vào mỗi tháng 9. Việc sản xuất CFC-11 đã bị hạn chế bởi hiệp định Montreal Protocol vào năm 2010, trước đó CFC-11 được sử dụng rộng rãi làm chất tạo bọt. Nghiên cứu mới này được công bố trên tạp chí Nature, ghi nhận sự gia tăng bất ngờ về lượng khí thải CFC-11, có khả năng từ các hoạt động sản xuất mới, không được báo cáo.
“Chúng tôi gửi báo động đến cộng đồng trên toàn thế giới: ‘Đây là những gì đang diễn ra, sự suy giảm tầng ôzôn sẽ diễn ra nhanh hơn quá trình tự phục hồi lại’”, phát biểu bởi Stephen Montzka, nhà khoa học NOAA, tác giả chính của bài báo, có đồng tác giả từ CIRES, Vương quốc Anh và Hà Lan. “Cần tìm ra chính xác lý do tại sao lượng phát thải CFC-11 đang gia tăng và điều gì sớm có thể làm được về nó”.

CFCs đã từng được sử dụng rộng rãi trong sản xuất bình xịt thuốc (tác nhân tạo bọt), vật liệu đóng gói (như dung môi), và các chất làm lạnh. Mặc dù việc sản xuất CFC đã bị hạn chế bởi hiệp định Montreal, một lượng lớn CFC-11 ngày nay vẫn tồn tại, chủ yếu ở trong lớp cách nhiệt xốp trong các tòa nhà và các thiết bị được sản xuất từ trước giữa những năm 1990. Một lượng nhỏ CFC-11 cũng tồn tại trong các thiết bị làm lạnh.

Bởi vì CFC-11 vẫn chiếm một phần tư lượng clo tồn tại trong tầng bình lưu ngày nay, kỳ vọng lỗ hổng ôzôn sẽ hồi phục vào giữa thế kỷ phụ thuộc vào sự giảm đi nhanh chóng của CFC-11 trong khí quyển – điều này sẽ xảy ra nếu như không có sản phẩm CFC-11 mới. Mặc dù lượng khí thải CFC-11 đang gia tăng, nhưng nồng độ của nó trong khí quyển vẫn tiếp tục giảm, nhưng tốc độ chỉ bằng một nửa so với vài năm trước, chậm hơn đáng kể với dự kiến. Điều này có nghĩa rằng tổng nồng độ của các hóa chất trong khí quyển gây suy giảm ôzôn nói chung vẫn đang giảm. Tuy nhiên, mức giảm đó chậm hơn đáng kể so với khi không có phát thải CFC mới.

Các phép đo chính xác nồng độ khí quyển toàn cầu của CFC-11 được thực hiện bởi các nhà khoa học NOAA và CIRES tại 12 địa điểm trên toàn cầu cho thấy: nồng độ CFC-11 giảm dần như mong đợi tại thời điểm trước 2002. Sau đó, đáng ngạc nhiên, tỷ lệ suy giảm hầu như không thay đổi trong một thập kỷ tiếp theo. Bất ngờ hơn là tỷ lệ suy giảm chậm lại 50% sau năm 2012. Sau khi xem xét một số nguyên nhân có thể, Montzka và các cộng sự đã kết luận rằng phát thải CFC đã tăng lên sau năm 2012. Kết luận này đã được xác nhận bởi những thay đổi khác được ghi nhận trong các phép đo của NOAA trong cùng thời kỳ, chẳng hạn như sự khác biệt giữa nồng độ CFC-11 ở bán cầu bắc và nam – bằng chứng cho thấy nguồn mới phát thải đâu đó ở phía bắc đường xích đạo.

Các phép đo từ Hawaii cho thấy các nguồn phát thải có khả năng ở Đông Á. Montzka cho biết sẽ cần nhiều công việc hơn để thu hẹp vị trí các phát thải mới này.
Hiệp định Montreal đã có hiệu quả trong việc giảm khí thải tầng ôzôn trong khí quyển, tất cả các nước trên thế giới đã đồng ý ràng buộc về mặt pháp lý đối với việc sản xuất các loại khí nhân tạo phá hủy tầng ôzôn. Theo yêu cầu của hiệp ước, các quốc gia đã báo cáo: mỗi năm có ít hơn 500 tấn CFC được sản xuất mới, kể từ năm 2010. Kết quả là nồng độ CFC-11 đã giảm 15% so với mức đỉnh được đo vào năm 1993.

Điều đó đã khiến các nhà khoa học dự đoán rằng từ giữa đến cuối thế kỷ , các chất làm suy giảm tầng ôzôn sẽ giảm xuống mức như trước khi lỗ thủng ôzôn ở Nam Cực bắt đầu xuất hiện vào đầu những năm 1980.

Tuy nhiên, kết quả từ phân tích mới về các phép đo khí quyển của NOAA cho thấy rằng từ năm 2014 đến năm 2016, lượng phát thải CFC-11 tăng 14.000 tấn/năm lên khoảng 65.000 tấn/năm, nhiều hơn mức phát thải trung bình từ giai đoạn 2002-2012 đến 25%.

Các sản phẩm CFC-11 được bán trên thị trường dưới tên thương mại Freon, đạt đỉnh khoảng 430.000 tấn mỗi năm vào những năm 1980. Phát thải của CFC vào khí quyển đạt khoảng 386.000 tấn/năm vào lúc cao điểm cuối thập niên này.

Những phát hiện này cho thấy, lần đầu tiên, lượng phát thải CFCs đã tăng lên sau một thời gian dài kể từ khi các biện pháp kiểm soát sản xuất có hiệu lực vào cuối những năm 1980.

Montzka cho biết: Nếu nguồn phát thải này có thể được xác định và giảm thiểu sớm thì thiệt hại cho tầng ôzôn sẽ không đáng kể. Tuy nhiên, nếu không được khắc phục sớm, sẽ có sự chậm trễ đáng kể trong việc phục hồi tầng ôzôn.

David Fahey, giám đốc NOAA’s Chemical Science Division và là đồng chủ tịch của United Nations Environment Programme’s Ozone Secretariat ‘s Science Advisory Panel, cho biết việc giám sát liên tục khí quyển sẽ là chìa khóa để đảm bảo mục tiêu khôi phục tầng ôzôn.

“Việc phân tích các phép đo khí quyển cực kỳ chính xác này là một ví dụ tuyệt vời về tính cảnh giác cần thiết để đảm bảo tuân thủ các quy định của hiệp định Montreal và bảo vệ tầng ôzôn của Trái đất”, Fahey cho biết.