[Workshop]Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc

Hội thảo “Xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc” diễn ra vào ngày 18/10/2014 tại ĐHQGHN.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Ban Chủ nhiệm Chương trình Tây Bắc, các bộ, ngành hữu quan; đại diện lãnh đạo 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc cùng đông đảo các nhà khoa học thuộc ĐHQGHN, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu khoa học và công nghệ ở vùng Tây Bắc.

Hoithao_TayBac_by_buituan_IMG_3440

Hoithao_TayBac_by_buituan_IMG_3323

Hội thảo này là một nội dung quan trọng trong kế hoạch của Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp quốc gia, giai đoạn 2013-2018: “Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc”, do ĐHQG HN làm cơ quan chủ trì.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về phương pháp xây dựng và cấu trúc của Bộ Cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành và các bộ công cụ phân tích chính sách phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc. Đồng thời, Hội thảo cũng tạo điều kiện để các nhà khoa học đang tham gia thực hiện Chương trình Tây Bắc gặp gỡ, trao đổi với các đồng chí cán bộ lãnh đạo, quản lý ở 14 tỉnh thuộc vùng Tây Bắc và các bộ ngành hữu quan, trên cơ sở đó thống nhất về phương thức tổ chức triển khai, chuyển giao và ứng dụng các kết quả của Chương trình, theo đúng phương châm “thiết thực, khả thi, hiệu quả”.

Theo kế hoạch, việc triển khai Chương trình KH&CN phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc được phân kỳ làm hai giai đoạn, giai đoạn 1 (2013 – 2015) và giai đoạn 2 (2016 – 2018). Giai đoạn 1 tập trung nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, điều tra bổ sung để đến năm 2015 có được bộ cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành về vùng Tây Bắc. Đồng thời, Chương trình sẽ triển khai một số mô hình sinh kế và mô hình phát triển kinh tế – xã hội cho một số địa phương, khởi động một số nhiệm vụ chuyển giao giải pháp khoa học và công nghệ sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường. Trong giai đoạn 2, Chương trình sẽ tập trung đẩy mạnh việc triển khai nghiên cứu ứng dụng đưa các kết quả khoa học và công nghệ, triển khai các dự án sản xuất thử nghiệm vào đời sống và sản xuất và xây dựng mô hình phát triển; đề xuất quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội theo hướng phát triển bền vững cho vùng Tây Bắc giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030.

Giám đốc ĐHQGHN PGS.TS Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh: Là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực hàng đầu đất nước, khi được giao tổ chức triển khai thực hiện Chương trình, ĐHQGHNH đã ý thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình trước Đảng, Chính phủ, trước các tỉnh trong khu vực Tây Bắc, đặc biệt là tình cảm và trách nhiệm trước đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc. Do vậy, ĐHQGHN quyết tâm thực hiện có hiệu quả Chương trình này.

Giám đốc Phùng Xuân Nhạ cho biết, ĐHQGHN đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành và các địa phương trong Vùng để xây dựng kế hoạch tổng thể, đồng thời phân kỳ thực hiện với phương hướng, mục tiêu, nội dung trọng tâm rõ ràng. Dự kiến sản phẩm nghiên cứu có địa chỉ chuyển giao ứng dụng cụ thể đảm bảo tính thiết thực, khả thi, hiệu quả của Chương trình. Đồng thời, ĐHQGHN đã bắt đầu triển khai Chương trình bằng việc xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp liên ngành, liên lĩnh vực; rà soát, đánh giá các chương trình mục tiêu đã thực hiện và chuẩn bị nguồn nhân lực cho Vùng để có thể tiếp nhận và ứng dụng các thành quả nghiên cứu được chuyển giao từ Chương trình.

Hoithao_TayBac_by_buituan_IMG_3327

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Tây Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Vùng Tây Bắc có tiềm năng, lợi thế phát triển nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản, du lịch và kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó, Tây Bắc còn có nguồn tài nguyên văn hóa – nhân văn to lớn và phong phú, đặc biệt là kho tàng tri thức bản địa, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc, như Thái, Mường, Mông, Dao, Tày, Nùng… với nhiều di tích lịch sử và danh thắng nổi tiếng.

Với vị trí chiến lược quan trọng, tiềm năng to lớn và đa dạng, vùng Tây Bắc cần được tập trung nghiên cứu, hoạch định chính sách đầu tư và phát triển để sớm đưa Tây Bắc phát triển toàn diện và bền vững, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Để triển khai hiệu quả Chương trình KH&CN phát triển bền vững vùng Tây Bắc trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ĐHQGHN tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với Ban Chỉ đạo Tây Bắc, các Bộ, ngành, các cơ quan khoa học, nhất là các địa phương trong Vùng để tổ chức triển khai nhiệm vụ của Chương trình theo đúng tinh thần thiết thực, khả thi, hiệu quả; hết sức tránh tình trạng nghiên cứu hàn lâm, kinh viện, trùng lắp, lãng phí, xa rời thực tiễn.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các bộ ngành liên quan cần theo dõi sát sao lộ trình triển khai Chương trình, phối hợp chặt chẽ và kịp thời kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp ĐHQGHN triển khai thành công Chương trình.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh ủy, UBND các tỉnh trong vùng Tây Bắc thường xuyên chỉ đạo, phối hợp cụ thể với ĐHQGHN để tổ chức các nhiệm vụ của Chương trình; đề xuất trúng và đúng các vấn đề đặt ra của mỗi tỉnh và cả Vùng./.