Dự án FAirNet được trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” năm 2017

Dự án FAirNet (FIMO Air Polution Monitoring Network) của Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành Giám sát hiện trường (Trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN) là 1 trong 21 sản phẩm được trao thưởng tại Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” năm 2017 vào ngày 20/09 vừa qua.

Lễ trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” do Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức nhằm tuyên dương những doanh nghiệp đổi mới sáng tạo đã thành công trong việc chứng minh ý tưởng biến các thách thức của biến đổi khí hậu thành cơ hội kinh doanh. Cuộc thi được khởi động vào tháng 4/2017. Sau hơn 4 tháng triển khai cuộc thi đã có hơn 350 đề xuất tham dự. Với với 11 hội đồng chấm thi đã phải làm việc hết công suất trong vòng 20 ngày liên tiếp để chọn ra 21 dự án trao giải “Khởi nghiệp sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam” năm 2017. Trong đó, có 17 doanh nghiệp nhận hỗ trợ tài chính và dịch vụ đi kèm, 4 doanh nghiệp nhận hỗ trợ dịch vụ không kèm tài chính, đồng thời ghi nhận nỗ lực của 7 doanh nghiệp đầu tiên tốt nghiệp quá trình ươm tạo kéo dài 1 năm của dự án.

Những doanh nghiệp này đã tham gia Cuộc thi Chứng minh ý tưởng lần thứ 2 (POC2) do Trung tâm Đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC) tổ chức. Các dự án được lựa chọn bởi POC2 sẽ được ưu tiên tiếp cận với toàn bộ các dịch vụ tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp toàn diện của VCIC gồm đào tạo, cố vấn, kết nối với các mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp, mạng lưới chuyên gia, mạng lưới đối tác, cơ sở vật chất và có cơ hội nhận nguồn vốn tài trợ lên tới 75.000 USD.

Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Đại Dương khẳng định: “Thông qua việc hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu, Dự án là cơ sở quan trọng biến những thách thức về khí hậu trở thành cơ hội phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, qua đó thực hiện thành công Chiến lược quốc gia của Việt Nam về tăng trưởng xanh”. Sau hơn một năm đồng hành cùng Trung tâm đổi mới sáng tạo ứng phó với biến đổi khí hậu Việt Nam (VCIC), các đơn vị được lựa chọn hỗ trợ trong Cuộc thi chứng minh ý tưởng lần thứ nhất đã gặt hái được nhiều thành công: doanh thu tăng trưởng 300%, kêu gọi hơn 200.000 USD vốn đầu tư, khẳng định được thương hiệu tại thị trường miền bắc Việt Nam và vươn tới thị trường quốc tế hay tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng chi phí cho khách hàng,…

Đại diện cho nhóm nghiên cứu dự án FairNet, TS. Bùi Quang Hưng chia sẻ, nhóm cảm thấy rất vui mừng và tự hào khi được đề cử giải thưởng. Trong suốt quá trình tham gia cuộc thi nhóm đã nhận được nhiều sự quan tâm động viên từ ban tổ chức, được gặp gỡ giao lưu trao đổi kinh nghiệm cùng các dự án khác. Sản phẩm giúp người dùng biết được chất lượng không khí tại nơi mình sinh sống và làm việc (sử dụng FairKit) và những khu vực khác (sử dụng (FairWeb và FairApp). Khi có thông tin về chất lượng không khí, người sử dụng sẽ có những biện pháp cụ thể để giảm thiểu tác hại của ô nhiễm không khí tới sức khỏe con người.

Chia sẻ cụ thể về dự án này, TS. Bùi Quang Hưng cho biết, dự án sẽ bao gồm FairKit – bộ toolkit cầm tay đo nồng độ bụi PM 2.5 và các thông số môi trường khác sử dụng nhiều loại cảm biến khác nhau; FairServer – nền tảng thu thập, quản lý và chia sẻ dữ liệu; FairWeb – hệ thống ứng dụng Web; FairApp – hệ thống ứng dụng trên nền tảng di động. Trong quá trình thực hiện, nhóm đã mất nhiều công sức đối với quá trình kiểm thử sản phầm FairKit để nâng cao độ chính xác của sản phẩm.

Nguồn: Tuyết Nga (UET-News)