Gặp mặt đầu năm 2015 của nhóm Ô nhiễm không khí

Ngày 06/01/2015, Tại phòng 408 Nhà E3, Nhóm nghiên cứu Ô nhiễm không khí – Trung tâm FIMO đã tổ chức buổi gặp mặt đầu năm mới nhằm tổng kết lại các công việc trong năm 2014, trao đổi về mục tiêu và định hướng các kế hoạch phát triển trong năm mới 2015.

Tham dự buổi gặp mặt gồm có: TS. Bùi Quang Hưng, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh cùng toàn thể các thành viên của nhóm nghiên cứu. Ngoài ra, nhóm vinh dự được đón tiếp TS. Đặng Vũ Khắc – Giảng viên Khoa Địa Lý, Đại học Sư Phạm Hà Nội tới chúc mừng năm mới và cùng tham dự buổi gặp mặt.

Toàn cảnh buổi gặp mặt đầu năm của nhóm Ô nhiễm không khí

Toàn cảnh buổi gặp mặt đầu năm của nhóm Ô nhiễm không khí

Phát biểu mở đầu, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh đã giới thiệu về quá trình thành lập cũng như tổng kết lại các công việc nhóm đã thực hiện trong năm 2014. Cùng với sự thành lập của Trung tâm FIMO, Nhóm nghiên cứu chuyên sâu về quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí cũng được hình thành và phát triển. Những ngày đầu thành lập, nhóm gặp rất nhiều khó khăn do nhân lực còn thiếu, dữ liệu và trang thiết bị phục vụ nghiên cứu còn hạn chế. Sau hơn 1 năm hoạt động, Nhóm đã xây dựng được một đội ngũ nghiên cứu viên có chất lượng, kết hợp giữa kinh nghiệm và sức trẻ, giữa công việc nghiên cứu tại trung tâm và việc đào tạo học tập sau Đại học tại trường. Cho đến nay, Nhóm Ô nhiễm không khí có 04 nghiên cứu viên có học vị Thạc sĩ và dự định tiếp tục  làm Nghiên cứu sinh, 04 nghiên cứu viên  đang là Học viên Cao học, 02 sinh viên năm cuối và đang thực hiện khóa luận tốt nghiệp.

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh tổng kết lại các công việc trong năm 2014

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh tổng kết lại các công việc trong năm 2014

Một trong những đóng góp đáng kể trong năm 2014 của nhóm là phối hợp tổ chức thành công Hội thảo quốc tế về chất lượng không khí vùng Châu Á “International Workshop on Air Quality in Asia” từ ngày 24/06-26/06. Đây là chương trình nằm trong khuôn khổ hợp tác khoa học và công nghệ giữa trường Đại học Công nghệ – ĐHQGHN, Đại học Maryland – Mỹ và Viện Nghiên cứu Môi trường Quốc gia (NIES) – Nhật Bản với sự tham gia hơn 70 nhà khoa học, nhà quản lý đến từ 14 quốc gia. Hội thảo này cũng là một trong những hoạt động quan trọng hướng tới kỷ niệm 10 năm ngày thành lập và 15 năm ngày truyền thống của Trường Đại học Công Nghệ. Tại hội nghị, nhóm cũng đã có 01 bài báo báo cáo khoa học “Air pollution monitoring project in Vietnam” do TS Nguyễn Thị Nhật Thanh trình bày được đánh giá cao về tính cấp thiết và nghiên cứu sáng tạo trong quản lý và cảnh báo thông tin ô nhiễm không khí ở Việt Nam.

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh trình bày tại hội thảo IWAQA 2014

TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh trình bày tại hội thảo IWAQA 2014

Trong năm 2014, Nhóm Ô nhiễm không khí còn tham dự và trình bày các báo cáo khoa học khác tại các hội nghị trong và ngoài nước như PEER-VN, 7-SEAS, KSE, GISATS, GIS2014. Qua đó, Nhóm đã tạo được nhiều mối quan hệ với rất nhiều đối tác chiến lược tham gia hợp tác nghiên cứu và phát triển, bao gồm: Đại học Maryland – Mỹ, Viên Nghiên cứu Môi trường quốc gia(NIES) – Nhật Bản, Viện Công nghệ Châu Á – AIT, mạng lưới 7-SEAS, nhóm nghiên cứu Y tế và sức khỏe Thụy Sĩ, Trung tâm quan trắc môi tường – Tổng cục môi trường (CEM), Trung tâm quan trắc và phân tích tài nguyên môi trường – Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội (CENMA),Viện vật lý địa cầu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên …

Tiếp bước những kết quả đạt được trong năm 2014, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh hy vọng các thành viên trong nhóm sẽ nỗ lực hoàn thành các công việc trong năm 2015, hoàn thành 02 đề tài trọng điểm của Nhóm về quản lý và cảnh báo chất lượng không khí ở Việt Nam đạt kết quả cao. Cũng tại buổi gặp mặt, TS Nguyễn Thị Nhật Thanh cũng trình bày một số hướng nghiên cứu mà Nhóm tiếp tục phát triển trong năm 2015 là “Ước tính PM từ sol khí trên phạm vi rộng” và “Tách sol khí từ ảnh vệ tinh”. Đây là 2 hướng nghiên cứu còn rất mới mẻ và có giá trị thiết thực tại Việt Nam.

Ngoài ra, để khắc phục những nhược điểm của vệ tinh quang học do phụ thuộc vào mức độ mây che phủ vùng chụp, TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh cũng mong muốn xây dựng được 1 nhóm nghiên cứu mạnh về các ứng dụng của ảnh RADAR và trực tiếp hướng dẫn các Nghiên cứu sinh theo định hướng tiên tiến này. TS. Đặng Vũ Khắc vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ tại Pháp về ảnh RADAR cũng chia sẻ một số hướng nghiên cứu về RADAR như khử nhiễu mây, tách thông tin mây và hơi nước sử dụng GPS, xây dựng các ứng dụng cập nhật và chia sẻ dữ liệu hướng người dung.

TS. Đặng Vũ Khắc chia sẻ về những hướng nghiên cứu mới trong công nghệ RADAR

TS. Đặng Vũ Khắc chia sẻ về những hướng nghiên cứu mới trong công nghệ RADAR

Kết thúc buổi gặp mặt, TS. Bùi Quang Hưng chia sẻ những kế hoạch, dự định trong năm 2015. Với vai trò lãnh đạo Trung tâm FIMO, TS. Bùi Quang Hưng luôn trăn trở làm sao xây dựng được một Trung tâm nghiên cứu đa ngành vững mạnh và phát triển, có một vị thế cao ở trong nước và quốc tế. Trung tâm luôn tạo điều kiện cho mỗi thành viên phát triển về công việc cũng như cơ hội học tập cao hơn. Trung tâm cũng mong muốn và nỗ lực để chăm lo cho đời sống của mỗi thành viên, giúp các thành viên yên tâm làm việc và nghiên cứu. Để làm được những điều đó, TS. Bùi Quang Hưng cũng kêu gọi mọi người không ngừng học hỏi, không ngừng phát triển, mỗi người tự hoàn thiên bản thân, tự phát triển mình, cùng tham gia xây dựng Trung tâm ngày càng mạnh hơn, mọi người sống vui vẻ và hòa thuận.

TS. Bùi Quang Hưng chia sẽ những dự định trong năm 2015

TS. Bùi Quang Hưng chia sẽ những dự định trong năm 2015

Dưới đây là một số hình ảnh được ghi lại trong buổi gặp mặt của nhóm Ô nhiễm không khí:

Phát biểu của Th.S Trần Tuấn Vinh - Giảng viên Đại học Sư Phạm 2, Nghiên cứu sinh Trung tâm FIMO

Phát biểu của Th.S Phạm Ngọc Hải - Phụ trách điều phối xây dựng hệ thống APOM

9

 

 

Phạm Văn Hà  (Nghiên cứu viên – FIMO)