Chiều ngày 29/1/2015, Trung tâm FIMO đã tổ chức Seminar khoa học: “Kinh tế hệ sinh thái rừng và phát triển nông thôn” do Nghiên cứu sinh Ryo Takeuchi – Đại học Kyoto – Nhật Bản trình bày.
Tham gia buổi seminar có TS. Bùi Quang Hưng, Nghiên cứu sinh Ryo Takeuchi từ Đại học Kyoto – Nhật Bản và cán bộ nghiên cứu của Trung tâm FIMO.
Satoyama là một từ đặc biệt để gọi tên các khu vực có sự liên kết chặt chẽ giữa tự nhiên và con người đó là hệ sinh thái được con người tạo ra dựa trên các yếu tố tự nhiên đặc biệt là nguồn tài nguyên Rừng.
NCS. Ryo Takeuchi đã giới thiệu thực trạng ở đất nước Nhật Bản trong quá trình phát triển từ năm 1960 đến nay. NCS. Takeuchi đã chỉ ra mối tương quan giữa Nhật Bản và Việt Nam trong việc phát triển kinh tế đất nước dựa trên kinh tế nông nghiệp, trồng trọt và Nhật Bản là bài học lớn cho Việt Nam trong hàng chục năm tới. Mất rừng và suy thoái rừng gây nên hiện tượng sa mạc hoá và làm nghèo đất tại nhiều địa phương.
Tình trạng phá rừng, bỏ hoang đất nông nghiệp đã tạo ra hàng loạt các tác động tiêu cực và thách thức sự phát triển kinh tế, xã hội và môi trường như gây lũ lụt, hạn hán gây khó khăn trong việc cung ứng lâm sản, làm giảm diện tích đất trồng khiến tình trạng nghèo đói và thất nghiệp ở nhiều khu vực càng đáng lo ngại hơn, đặc biệt suy thoái rừng làm phá vỡ các hệ sinh thái quan trọng khác. Hiểu rõ về hiện trạng rừng Việt Nam, tìm ra các biện pháp khắc phục những hậu quả do suy thoái tài nguyên rừng gây ra đang là một vấn đề cấp thiết hiện nay mà chúng ta cần quan tâm.
NCS. Ryo Takeuchi đã đề xuất hướng nghiên cứu theo mô hình DPSIR (Driving Force, Pressure, State Of Environment, Impacts, Response), đó là áp lực của kinh tế sinh thái ở Việt Nam khi đô thị hóa và hiện đại hóa phát triển công nghiệp, dẫn đến không tận dụng được các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong nông nghiệp một cách hiệu quả. Sử dụng mô hình này để đánh giá hiện trạng môi trường có 2 lợi ích:
- Đánh giá đựoc hiện trạng cách trung thực.
- Có khả năg dự báo được xu thế trong tương lai.
Mô hình DPSIR mô tả mối quan hệ tương hỗ giữa:
- Động lực trực tiếp hoặc gián tiếp (D – Driving forces ): Ví dụ: sự gia tăng dân số, sự phát triển nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải…
- Áp lực do con người gây ra (P – Pressures): Ví dụ: Sự xả thải các chất thải gây ô nhiễm. Các ngành/ tác nhân/ quy trình đang đóng vai trò như thế nào?
- Hiện trạng môi trường (S – State of the Environment ): tình trạng lý, hóa, sinh của môi trường.. Vấn đề đang diễn biến như thế nào?
- Tác động (I – Impacts) của sự thay đổi hiện trạng môi trường: Ví dụ: tác động lên hệ sinh thái, sức khỏe con người, kinh tế, sự phát triển… Các tác động đang diễn biến như thế nào?
- Phản hồi (R- Response) từ xã hội với những tác động không mong muốn: Ví dụ: Các hoạt động của xã hội nhằm bảo vệ môi trường… tính hiệu quả của các biện pháp đáp ứng?
NCS. Ryo Takeuchi đã đặt ra những vấn đề lớn đối với công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và khai thác môi trường một cách hiệu quả. Trong đó, con người hoàn toàn có thể khai thác tự nhiên, tuy nhiên phải theo một phương thức khoa học và hiệu quả theo truyền thống và hiện đại, thay vì khai thác một cách không có quản lý và thiếu tính tổ chức như hiện nay.
Kết thúc buổi Seminar, TS. Bùi Quang Hưng đã gửi lời cám ơn tới NCS Ryo Takeuchi vì sự tin tưởng khi tham gia nghiên cứu ở Trung tâm FIMO cũng như các đóng góp, đề xuất hữu ích trong lĩnh vực phát triển kinh tế sinh thái ở Việt Nam.
NCS. Ryo Takeuchi rất cám ơn TS. Bùi Quang Hưng và các nghiên cứu viên Trung tâm FIMO đã tham dự buổi Seminar và mong muốn gắn bó với Trung tâm FIMO lâu dài, tạo mối quan hệ gắn kết giữa Trung tâm FIMO và Đại học Kyoto trong nghiên cứu kinh tế sinh thái. TS. Bùi Quang Hưng đã vui vẻ đồng ý và sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất, đặc biệt là về nguồn ảnh viễn thám từ Trạm thu vệ tinh của Trung tâm FIMO (ảnh MODIS, Suomi NPP) để NCS. Ryo Takeuchi có thể khai thác và sử dụng trong quá trình nghiên cứu.
Dưới đây là một số hình ảnh trong buổi Seminar của Nghiên cứu sinh Ryo Takeuchi và các thành viên Trung tâm FIMO:
Phạm Hữu Bằng (Nghiên cứu viên – FIMO)