Trong thời gian 3 tháng trực tiếp và gián tiếp làm việc (từ 15/10/2014 đến 31/12/2014), TS. Dominic Flach – Công ty hàng không vũ trụ eOsphere – Vương Quốc Anh đã cùng các nhân viên, cán bộ trung tâm FIMO tham dự các buổi đào tạo, tham quan và làm việc trực tiếp với chảo ăng ten, vận hành thu nhận và xử lý tín hiệu các vệ tinh MODIS (Terra, Aqua) và Suomi NPP.
Đây là dự án trọng điểm của Trung tâm được thực hiện với tầm nhìn dài hạn, là nguồn cung cấp dữ liệu ảnh viễn thám theo thời gian thực và là công nghệ tiên tiến hiện đại của nước ngoài và được sự chỉ đạo và giám sát một cách chu đáo và cẩn thận với sự tham gia đông đủ và quan tâm của Ban Giám Hiệu Đại học Công Nghệ (GS. TS Nguyễn Thanh Thủy – Phó hiệu Trưởng), (PGS. TS. Phạm Văn Cự – cố vấn Trung tâm FIMO) và các cán bộ, nhân viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên của Trung tâm FIMO.
Trong khóa học và đào tạo này, Trung tâm FIMO đã trân trọng đón tiếp các nhà nghiên cứu khoa học, các chuyên gia về viễn thám, GIS và các đối tác cùng tham gia các dự án (hệ thống quản lý ô nhiễm không khí, phát hiện và cảnh báo cháy rừng, phát triển hạ tầng cơ sở dữ liệu Tây Bắc,….) đến tham dự và học tập.
Trong quá trình đào tạo, chuyển giao, hướng dẫn sử dụng và lắp đặt trạm thu và trạm xử lý, các học viên đã cùng nhau đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế về những lĩnh vưc liên quan đến ngành nghiên cứu tại cơ quan, tổ chức mình. Để có thể hoàn toàn làm chủ được công nghệ phức tạp và hiện đại này, Trung tâm đã chủ động bố trí nguồn nhân lực chất lượng để luôn đi theo, bám sát và học tập trực tiếp khi chuyên gia Dominic thực hiện công việc. Đội ngũ cán bộ này bao gồm các thành viên tham gia trực tiếp vào vận hành, điều khiển thiết bị siêu máy tính ở Trung tâm máy tính, điều khiển và vận hành ăng ten – Khoa Điện tử Viễn thông – Đại học Công Nghệ và các chuyên gia về xử lý ảnh viễn thám từ Khoa Địa lý – Đại học Khoa học tự nhiên, đứng đầu là PGS.TS. Phạm Văn Cự – chuyên gia đầu ngành về bản đồ, viễn thám và GIS.
Nội dung của khóa học chia thành các chuyên đề được thuyết trình, trao đổi một cách thẳng thắn từ chuyên gia Dominic, qua kinh nghiệm nghiên cứu và vận hành thiết bị ăng ten hơn 20 năm qua. Các vấn đề chính được hướng dẫn và trình bầy theo các chủ đề sau:
+ Hardware and System configuration
+ Task scheduler and automated processing and data acquisition.
+ Data processing and visualization, Introduction to products.
+ System maintain (software and hardware).
+ Open Session (questions and answers).
Các học viên được đi tham quan, theo dõi trạm ăng ten trên tầng 7 Nhà E3 – Đại học Công Nghệ, tận mắt chứng kiến trạm thu hoạt động và nhận tín hiệu từ các vệ tinh Terra, Aqua (ảnh MODIS) và Suomi NPP. Sau đó, chuyên gia Dominic đã trực tiếp hướng dẫn cách sử dụng các phần mềm chuyên dụng để thực thi các thuật toán của NASA để xử lý ảnh thô (level 0) thành ảnh sản phẩm level 1B, level 2 trên 2 trạm xử lý Dell Precision T5610 của Trung tâm FIMO.
Dưới đây là một số hình ảnh của các học viên tham gia khóa học cùng chuyên gia Dominic tại Trung tâm Công nghệ tích hợp liên ngành, giám sát hiện trường. Kết quả dự kiến là các học viên sẽ hiểu được quy trình và công nghệ thu và xử lý ảnh viễn thám, từ đó Trung tâm FIMO có thể làm chủ được thiết bị, vận hành, bảo dưỡng và sẽ là nguồn cung cấp ảnh viễn thám MODIS, NPP duy nhất ở Việt Nam với chất lượng tin cậy và đảm bảo cho các đối tác, các nhà khoa học, nghiên cứu trong và ngoài nước.
Khóa học ngắn hạn về đào tạo và vận hành, điều khiển thạm thu ăng ten đã kết thúc thành công. Chuyên gia Dominic đã nhận xét và đánh giá cao về sự hợp tác và tổ chức khóa học của Trung tâm FIMO trong thời gian qua. Sau khi trở về Vương Quốc Anh, Tiến sĩ Dominic sẽ tiếp tục hướng dẫn và phản hồi các yêu cầu, thắc mắc của các học viên, tại email: [email protected].
Hiện nay, trạm thu đã vận hành ổn định và tiếp tục thử nghiệm trong thời gian ngắn trước khi vận hành thực tế và cung cấp dữ liệu cho các đối tượng nghiên cứu. Tiến sĩ Dominic hứa hẹn sẽ đến Việt Nam và tiếp tục giúp đỡ, vận hành trong tương lai với các dự án tiếp theo về thu nhận, xử lý ảnh vệ tinh của Trung tâm FIMO.
Phạm Hữu Bằng (Nghiên cứu viên – FIMO)