“Bản đồ số Việt Nam (gọi tắt là Vmap) (https://vmap.vn/) được xây dựng và triển khai từ tháng 8/2018 bởi nhóm nghiên cứu của Trung tâm Giám sát hiện trường (Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Hội). Vmap là một những nội dung quan trọng của Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” được phê duyệt theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Phó Giám đốc ĐHQGHN Phạm Bảo Sơn, Trưởng ban Khoa học và Công nghệ Vũ Văn Tích cùng các nhà khoa học đến từ Trường ĐH Công nghệ tham gia xây dựng và phát triển Vmap
Người Việt tạo ra bản đồ số
Với sự bùng nổ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc đẩy mạnh đô thị hóa, đặc biệt ở các thành phố đã làm thông tin thay đổi hoặc mới cần phải được cập nhật liên tục.Việt Nam cũng phát triển theo xu hướng với việc sử dụng các công nghệ hiện đại như Blockchain (công nghệ chuỗi), trí tuệ nhân tạo… để nghiên cứu ứng dụng tạo ra các sản phẩm trợ giúp cho người Việt.
Sự ra đời của nền tảng dữ liệu Bản đồ số Việt Nam do người Việt xây dựng sẽ cung cấp cho người dùng bản đồchính xác về biên giới, hải đảo, địa giới Việt Nam; người dùng có thể dễ dàng tìm kiếm và chỉ đường cụ thể đến tận lớp địa chỉ trong từng ngõ, hẻm hoặc các thôn, xã. Đây là cơ sơ để các doanh nghiệp trong nước và ngoài nước có thể sử dụng để tạo ra các ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: giáo dục, văn hóa, du lịch…
Sau khi ra mắt vào tháng 10/2019, Vmap sử dụng được trên nền web thì đến nay người dùng đã có thể sử dụng trên điện thoại di động bằng cách tải phần mềm từ các kho ứng dụng. Vmap có gần 20 nghìn lượt tải trên kho ứng dụng của IOS và Android, đối với địa chỉ https://vmap.vn/ nhiều nhất 70 nghìn lượt truy cập/ngày. Cho đến nay, Vmap đã có 23,4 triệu dữ liệu địa điểm, địa chỉ. Trong đó, cơ sở giáo dục có 53.000; cơ sở y tế 47.454; cơ sở lưu trú 7.880; cơ sở thông tin, truyền thông 12.000.
Giao diện Vmap phiên bản web – Bản đồ số dành cho người Việt
Đại diện cho nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Giám sát hiện trường, anh Lưu Quang Thắng cho biết: “Khác với một số nền tảng bản đồ và định vị khác đang có mặt trên thị trường do các công ty nước ngoài phát hành, bản đồ số Vmap hiển thị các lớp bản đồ riêng, bao phủ toàn quốc, có khả năng hiển thị chi tiết địa chỉ từng số nhà ở cả thành thị, miền núi và vùng sâu vùng xa. Về dữ liệu biên giới, địa giới, hải đảo theo công bố của Nhà nước; mạng lưới đường tích hợp từ dữ liệu đa nguồn (Nhà nước, thuật toán, cộng đồng). Về kỹ thuật, nhóm nghiên cứu đã tích hợp các thuật toán xử lý ngôn ngữ, tìm kiếm, chỉ đường tối ưu cho tiếng Việt; cung cấp nhiều bộ công cụ hỗ trợ phát triển phần mềm đa nền tảng: Web, Android, iOS, Cross-platformđể phục vụ các nhà phát triển ứng dụng. Về giá thành, miễn phí cho người sử dụng và hỗ trợ tối đa cho cộng đồng nhà phát triển”.
Dữ liệu số của người Việt
Để có được một khối dữ liệu khổng lồ với 23,4 triệu địa chỉ trên cả nước như vậy, đại diện nhóm nghiên cứu, anh Lưu Quang Thắng chia sẻ: “Với sự hỗ trợ của đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” và các bộ ban ngành, đặc biệt là Bưu điện Việt Nam và cộng đồng thu thập dữ liệu, nhóm nghiên cứu đã nỗ lực và cố gắng để từng bước vượt qua khó khăn đối với công tác thu thập dữ liệu, hoàn thành sản phẩm trong thời gian ngắn.Trong 3 tháng liên tục, Bưu điện Việt Nam đã cử hơn 120.000 nhân viên bưu điện và đoàn viên thanh niên tới từng khu phố, làng xã… để thu thập thông tin. Từ dữ liệu thu thập nhóm đã xây dựng các công cụ tích hợp dữ liệu đa nguồn (nhà nước, bộ, ban, ngành và cộng đồng thu thập dữ liệu) để xây dựng cơ sở dữ liệu địa chỉ quốc gia. Dựa trên cơ sở đó, nhóm đã xây dựng các thuật toán tiền xử lý dữ liệu hỗ trợ hiển thị bản đồ, xử lý ngôn ngữ tự nhiên tiếng Việt hỗ trợ tìm kiếm địa chỉ, tìm đường”.
Giao diện Vmap phiên bản trên điện thoại di động
Đến nay, Vmap đã và đang được sử dụng trong các ứng dụng chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp. Quang Thắng chia sẻ thêm về việc Vmap được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực, cụ thể: “Về y tế, các ứng dụng trong chiến dịch chống Covid-19 hành cho người dân và điều hành của chính phủ: antoancovid.vn/; ncov.moh.gov.vn/ban-do-vn; Khai báo y tế – NCOVI;… Về môi trường được ứng dụng trong mạng cảm biến quan trắc chất lượng không khí (airnet.vn). Trong vận tải được sử dụng tại phần mềm quản lý đặt xe khách liên tỉnh Thái Bình – Hà Nội (247car.vn). Ngoài ra còn một số lĩnh vực khác như bất động sản, xã hội… cũng sử dụng Vmap như bản đồ số trong trung tâm điều hành thông minh, Hệ thống thông tin chất lượng bất động sản (Reqis), Nền tảng nhân đạo số iNhandao, Địa chỉ số (vpostcode.vn)”.
Trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu đang tiếp tục nâng cấp, cải tiến bản đồ số Vmap để đáp ứng tốt hơn người dùng và nhà phát triển ứng dụng tại Việt Nam.
Tuyết Nga – Đăng Hoàng (UET-News)