Nhân sự kiện Hội chợ công nghệ và thiết bị quốc tế Việt Nam 2015 và kết quả đạt được từ dự án “Nghiên cứu – xây dựng hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi từ ảnh vệ tinh – APOM”, trung tâm FIMO đã được giới truyền truyền thông cùng với các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm.
Vừa qua, ngày 30/09, phóng viên chương trình “7 ngày công nghệ” của VTV2-Đài truyền hình Việt Nam đã đến trường Đại Học Công Nghệ và trung tâm FIMO để phỏng TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh để tìm hiểu về thành tựu và ý nghĩa của hệ thống APOM trong thực tiễn.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Thanh nhấn mạnh cần phải có giải pháp thu thập các thông số chất lượng không khí trên diện rộng, cụ thể là trên lãnh thổ Việt Nam. Trong khi đó ở Việt Nam, số trạm quan trắc môi trường hiện nay là quá ít, với 6 trạm đặt tại Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nội, Huế và Đà Nẵng được quản lý bởi Trung tâm Quan trắc môi trường(CEM) – Bộ Tài Nguyên Môi Trường. Phương pháp quan trắc điểm tự động và thủ công có độ chính xác cao nhưng giá trị đo được chỉ đại diện cho khu vực đặt điểm quan trắc. Chính vì lý do này, hệ thống APOM đã ra đời.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Nhật Thanh và thành viên nhóm APOM đã trao đổi trả lời phỏng vấn của VTV2 về vai trò, những cống hiến thiết thực của hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi đối với sức khỏe cộng đồng trong quá trình hội nhập và phát triển kinh tế đất nước. Cô cũng nêu lên những giải pháp, chiến lược để hỗ trợ thông tin về chất lượng không khí cùng với thông tin về thời tiết phụ vụ cộng đồng.
Lê Xuân Thành – Nghiên cứu viên FIMO