Chiều ngày 20/5/2015, Đại diện Trung tâm FIMO do TS. Bùi Quang Hưng – PGĐ Trung tâm FIMO, PGS. TS Nguyễn Hải Châu và Nhóm nghiên cứu, phát triển hệ thống Quản lý cảnh báo ô nhiễm không khí APOM do TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh chủ nhiệm đã sang thăm và làm việc với Viện Vật lý địa cầu, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam do TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện Trưởng tiếp đón.
Sau thảm họa động đất, sóng thần vào cuối năm 2004, Việt Nam đã có sự quan tâm đầu tư đáng kể cho hoạt động ứng phó với thảm họa thiên tai. Đầu tháng 9-2004, Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu ) được ra đời. Hiện nay, Viện Vật lý địa cầu cũng mở rộng đối tượng nghiên cứu sang các loại cảnh báo thiên tai khác như ô nhiễm môi trường và ô nhiễm không khí là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu.
Tại buổi Seminar giới thiệu hệ thống Quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí APOM (Air Pollution Management), TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh đã trình bầy tổng quan về tổ chức hoạt động của nhóm nghiên cứu, của Trung tâm FIMO và vai trò đóng góp ý nghĩa của hệ thống APOM khi dự án được triển khai. Đây là hệ thống sử dụng dữ liệu ảnh MODIS Terra, MODIS Aqua, Suomi NPP thu thập dữ liệu từ trạm thu của Đại học Công Nghệ và dữ liệu của NASA để xử lý trích xuất các dữ liệu sol khí (AOT) để tạo các dữ liệu bụi PM và tính toán các chỉ số chất lượng không khí (AQI).
TS. Nguyễn Thị Nhật Thanh cũng trình bầy về phương pháp ước lượng ảnh sol khí từ ảnh có độ phân giải cao như Landsat, SPOT để có kết quả chính xác chi tiết hơn so với ảnh độ phân giải thấp.
Tiếp theo, ThS. Phạm Hữu Bằng đã có bài trình bầy ngắn gọn, súc tích về các chức năng của hệ thống APOM. Kết quả đạt được đó là hệ thống Website truy cập tại địa chỉ: http://112.137.129.222:8080/apom/web cho phép các đối tượng người dùng sử dụng hệ thống để truy xuất, hiển thị, tìm kiếm và đăng ký các thông tin cảnh báo ô nhiễm hàng ngày.
Kết thúc buổi trình bầy, TS. Nguyễn Xuân Anh – Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cùng các cán bộ nghiên cứu của Viện trong lĩnh vực quan trắc, giám sát hiện trường, khí tượng,…đã trao đổi, đóng góp ý kiến về nghiên cứu các chức năng của hệ thống và phương pháp ước lượng có thêm tính thực tiễn và phù hợp hơn đối với trong phạm vi của đề tài và các bước tiếp theo để giải quyết các vấn đề phức tạp hơn.
Kết luận, TS. Nguyễn Xuân Anh đánh giá tốt về thông tin và nội dung của buổi Seminar và khả năng của Trung tâm FIMO cũng như đội ngũ nghiên cứu, phát triển của dự án APOM trong việc ứng dụng công nghệ ảnh viễn thám, hệ thống thông tin địa lý GIS và công nghệ thông tin. TS. Nguyễn Xuân Anh và TS. Bùi Quang Hưng đã có các thảo luận với tinh thần hợp tác cùng phát triển, đóng góp xây dựng các đề tài và trao đổi nghiên cứu giữa sinh viên, nghiên cứu viên trong tương lai. TS. Bùi Quang Hưng trân trọng cám ơn và cũng đề xuất các giải pháp tốt nhất để có thể triển khai được các dự án, nghiên cứu hợp tác chung giữa 2 đơn vị đạt kết quả tốt nhất.
Phạm Hữu Bằng – Nghiên cứu viên FIMO