Tọa đàm “Nhu cầu và nhân lực công nghệ cho nông nghiệp thông minh”

Ngày 13/09, Trường Đại học Công nghệ – Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Nhu cầu và nhân lực công nghệ cho nông nghiệp thông minh” tại nhà E3.

Tọa đàm “Nhu cầu và nhân lực công nghệ cho nông nghiệp thông minh”

    Tham dự tọa đàm về phía ĐHQGHN có TS. Nguyễn Thu Hương – Phó trưởng ban Kế hoạch tài chính; ông Vũ Tuấn Anh – Phó Trưởng ban Khoa học công nghệ; PGS.TS. Dương Văn Hợp – Viện trưởng Viện Vi sinh và công nghệ sinh học; PGS.TS. Đinh Đoàn Long – Phó Chủ nhiệm khoa Y Dược. Về phía Trường ĐHCN có PGS. TS. Nguyễn Việt Hà – Hiệu trưởng Nhà trường, PGS.TS. Chử Đức Trình – Phó Hiệu trưởng, TS. Nguyễn Anh Thái – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện lãnh đạo các phòng/ban chức năng và các khoa trong trường. Đến dự tọa đàm còn có sự tham gia của GS.TS. Lê Huy Hàm – nguyên Viện trưởng, Viện Di truyền nông nghiệp; ông Nguyễn Thế Quyết – Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ sạch nông nghiệp; TS. Phạm Mỹ Linh – Giám đốc sản xuất phụ trách miền Bắc VinEco; PGS.TS. Trần Thị Minh Hằng – Giám đốc Trung tâm đảm bảo chất lượng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam; PGS. TS. Đặng Văn Đông, Phó Viện trưởng Viện rau quả, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển hoa, cây cảnh.

Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà phát biểu khai mạc

     Phát biểu khai mạc, Hiệu trưởng Nguyễn Việt Hà bày tỏ niềm vui mừng khi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhiều doanh nghiệp đối với việc áp dụng công nghệ cho nông nghiệp thông minh. Trong giai đoạn vừa qua, ĐHQGHN đã chủ trương phát triển nghiên cứu, đào tạo về nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp. Theo đó, trường ĐHCN là đơn vị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ phát triển lĩnh vực này. Vì vậy, một trong những mục tiêu được Nhà trường xác định là hướng đến ứng dụng nghiên cứu, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp. Qua quá trình chuẩn bị cho sự phát triển ngành nghề có tính liên ngành với sự liên kết của các đơn vị trong và ngoài ĐHQGHN, Nhà trường đã tổ chức buổi tọa đàm với mục đích tìm hiểu nhu cầu công nghệ và nhân lực công nghệ cho nông nghiệp thông minh, kết nối giải pháp và công nghệ giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp công nghệ trong nông nghiệp.

GS.TS. Lê Huy Hàm khẳng định vai trò  về nhân lực và tiềm năng công nghệ trong nông nghiệp

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển, việc phát triển công nghệ cho nông nghiệp là điều cần thiết, GS.TS. Lê Huy Hàm khẳng định về nhu cầu nhân lực và tiềm năng công nghệ trong nông nghiệp có vai trò quan trọng. “Trước nhu cầu của đất nước nói riêng và xu hướng của thế giới về công nghệ nói chung, các nhà khoa học và nghiên cứu trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp cần sự liên kết, hợp tác chặt chẽ với nhau. Trong khi đó, nền nông nghiệp Việt Nam có đặc thù quy mô nhỏ lẻ. Vì vậy, sản lượng nông nghiệp không ổn định và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam trên trường quốc tế không cao, chất lượng sản phẩm chưa đồng đều. Với những kỹ thuật công nghệ cao có thể góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân, tăng sản lượng và tạo ra các sản phẩm nông nghiệp chất lượng nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường quốc tế”.

Các đại biểu đã lắng nghe các diễn giả trình bày báo cáo tại buổi tọa đàm

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đã lắng nghe các diễn giả trình bày báo cáo và đóng góp các ý kiến nhằm phát triển, xây dựng hiệu quả chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cho nông nghiệp thông minh. Cụ thể, PGS.TS. Đặng Văn Đông với báo cáo “Ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất hoa tại Việt Nam”; TS. Phạm Mỹ Linh trình bày báo cáo “Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao – nguồn nhân lực với những đòi hỏi để thích ứng”; ông Nguyễn Thế Quyết trình bày báo cáo “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ nano trong sản xuất phân bón thế hệ mới và chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học từ vi sinh trong canh tác nông nghiệp”; TS. Tô Văn Khánh Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Trường ĐHCN trình bày báo cáo “Tiềm năng của trường ĐHCN – ĐHQGHN trong phát triển nông nghiệp thông minh”.

Các đại biểu đã tham quan cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của Nhà trường

    Trước những thách thức và tiềm năng đào tạo nhân lực cho nông nghiệp thông minh, Trường ĐHCN trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát huy những lợi thế về đội ngũ giảng viên, những nghiên cứu khoa học mang tính chất liên ngành giữa các khoa… để xây dựng và phát triển chương trình đào tạo chất lượng về áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp đáp ứng nhu cầu xã hội.

Nguồn: UET News

Scroll to Top